kĩ sư hàng không

Tên tôi là Nguyễn Hữu Lực, hiện tôi là kĩ sư máy bay của công ty VASEP, một công ty lớn toạ lạc gần sân bay Nội Bài, Sóc Sơn, Hà Nội. Nhiệm vụ chính của tôi là sửa chữa, bảo trì và đại tu máy bay mỗi khi chúng có vấn đề hỏng hóc hay trục trặc. Để sửa máy bay, cũng như sửa một chiếc xe máy vậy, bạn cần có đủ đồ nghề và dụng cụ, vì thế công ty tôi có riêng một kho rất lớn để dự trữ các loại linh kiện phụ tùng thay thế để phục vụ cho công việc. Công ty tôi ký hợp đồng với rất nhiều hãng hàng không, trong đó có các đối tác lớn như Vietnam Airline, Jetstar Pacific và 1 số tập đoàn hàng không nước ngoài khác nữa. Bản thân tôi nhận nhiệm vụ sửa chữa từ những chi tiết và bộ phận nhỏ nhất của máy bay cho đến cả những hệ thống máy vận hành phức tạp, như hộp đen chẳng hạn.

Thời điểm mà máy bay thường được đem ra sửa nhất đó là vào buổi đêm bởi hầu hết các máy bay của hãng hàng không Vietnam Airline thường không bay quá muộn. Tôi cùng các thành viên trong đội kĩ thuật của mình vẫn thường hay di chuyển máy bay ra gara hay sân lớn để tiện cho việc tháo lắp.

Một ngày làm việc bình thường của tôi bắt đầu với công việc quan sát và theo dõi các lịch trình bay, cất cánh và hạ cánh của máy bay, từ đó cả đội cùng chuẩn bị đồ nghề trong tư thế sẵn sàng. Đến giờ máy bay hạ cánh, tôi cùng cả đội ra thẳng khu vực đường băng và dùng những tấm gỗ kĩ thuật để chặn các bánh xe lại. Sau đó, cả đội cùng nhau kiểm tra từng bộ phận của chiếc máy bay theo như phân công để tìm ra các lỗi hỏng hóc hay trục trặc. Nếu phát hiện ra những lỗi nhỏ như bánh xe không đạt tiêu chuẩn an toàn cho phép, chúng tôi lập tức vào kho lấy bánh mới thay ngay và công việc này chỉ tốn từ 1 đến 2 giờ. Tuy nhiên, nếu máy bay gặp phải những vấn đề trục trặc lớn hơn không thể giải quyết trong vòng vài giờ, đội trưởng sẽ thông báo lại cho hãng hàng không để hãng có phương án thay thế máy bay khác, và sau đó chúng tôi sẽ chuyển chiếc máy bay đó vào sân sau để xử lý nó vào ban đêm. Trung bình một ngày chúng tôi phải kiểm tra và sửa chữa khoảng tầm 40 chiếc máy bay các loại.

Kể lại chuyện cũ 1 chút, trước tôi từng là sinh viên của viện đại học Mở Hà Nội, khoa công nghệ thông tin. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi vào làm cho 1 công ty cũng chuyên về máy tính. Được 2 năm thì tôi bỏ nghề, cũng 1 phần vì mức lương quá thấp. Sau đó, tình cờ đọc báo thì thấy VASEP đăng tin tuyển dụng, và thế là tôi nộp hồ sơ ứng tuyển vào vị trí liên quan đến Công Nghệ Thông Tin. Nhưng rồi có duyên thế nào với đội kĩ thuật nên tôi chuyển sang đó làm cũng được 2 năm rồi đấy. Thực ra máy bay bây giờ cũng hầu hết vận hành trên hệ thống máy tính nên chuyên nghành của tôi cũng ít nhiều giúp ích cho công việc hiện tại. Cơ hội thăng tiến trong công việc này khá rộng mở và phần lớn dựa vào năng lực. Mỗi kí sư cần phải đạt được 3 chứng chỉ: A, B, C theo thứ tự tăng dần. Mỗi chứng chỉ yêu cầu bạn phải năm được 18 khía cạnh khác nhau của nghề nghiệp mà trong đó trọng tâm đánh giá 3 yếu tố chinh: sự am hiểu luật hàng không, tay nghề sửa chữa và khả năng ngoại ngữ. Thêm vào đó, biết cách duy trì và tạo các mối quan hệ tốt đẹp với quản lý và sếp trên sẽ tạo nhiều cơ hội được thăng tiến hơn.

Lịch làm việc của tôi cúng khá bận rộn. Tôi không có khái niệm ngày nghỉ cuối tuần và thường phải làm việc theo ca dài. Chúng tôi có 3 ca làm việc chính: ca 1 từ 7 rưỡi sáng đến 2 giờ chiều; ca 2 từ 2 giờ chiều đến 10 giờ tối và ca đêm từ 10 giờ tối đến 7 rưỡi sáng hôm sau. Tôi làm ca sáng vào 2 ngày đầu tuần, ca chiều vào 2 ngày tiếp và ca đêm vào 2 ngày còn lại. Sau 6 ngày làm ca liên tục tôi có 2 ngày nghỉ. Đó là lí do vì sao tôi không có khái niệm nghỉ cuối tuần như các công việc bình thường khác.

Mặc dù cường độ làm việc khá vất vả nhưng tôi vẫn yêu công việc của mình. Tôi thích môi trường làm việc nơi đây vì nó không khiến tôi sống 1 cuộc sống gò bó, lặp đi lặp lại 1 cách nhàm chán. Tôi chỉ bận rộn những lúc máy bay bị hỏng hóc, còn không, có nhiều hôm tôi được tự do ngồi trong văn phòng làm những gì mình muốn và cũng chủ động trong thời gian làm việc.

Nói như vậy không hẳn công việc tôi làm không có những điểm khiến tôi không hài lòng. Thú thực, điều duy nhất khiến tôi không thích ở công việc của mình là điều kiện làm việc ngoài trời, mỗi khi thời tiết xấu gây ảnh hưởng cho sức khoẻ rất nhiều, gió rét hay nắng oi ả, chính vì thế tôi có làn da đen thế này.

Tôi sẽ gắn bó với công việc này ngay cả khi đã lập ra đình, bởi tôi luôn tự hỏi “Các chú các bác đồng nghiệp của mình cũng có gia đình nhưng họ vẫn làm tốt đấy thôi, tại sao họ làm được mà mình không làm được?”

Contributors:  Son Chau, Micaela Bacon, Lena Tran, Nguyễn Hương Lan Nguyễn Phương Vân

aircraft engineer

One thought on “kĩ sư hàng không

  1. Cảm ơn bài viết của bạn! nó cho tôi thấy một phần cs của ng kĩ sư hàng không 😀 tôi cũng mơ ước có dc cv như vậy 🙂

Leave a reply to QuangTam Cancel reply