Thợ sửa điện

Trước cửa căn nhà ở Gia Lâm là gian hàng nhỏ của Nguyễn Hoàng Trung. Trông có vẻ bừa bộn một cách có trật tự với ngăn kéo, hộp đồ nghề với dậy rợ lằng nhằng, bảng mạch điện tử, điều khiển từ xa…Căn nhà được chia ra làm đôi, ngăn bởi một chiếc tủ đựng hàng và một tủ cốc chén với phía bên trong được sử dụng làm phòng khách, nơi chúng tôi ngồi trò chuyện.

Tôi được đào tạo ở trường đại học Tổng Hợp thành phố Hồ Chí Minh. Rồi năm 1988, tôi bắt đầu làm việc trong cơ quan quân đội, có nhiệm vụ sửa chữa các dây chuyền về điện tử trong quân đội. Sau đó do hoàn cảnh gia đình, có một cháu nhỏ bị viêm não và mất, lúc đó đồng lương lại eo hẹp nên tôi xin được về nhà, bắt đầu sửa chữa tại gia đình từ tháng 1/1991. Cho đến nay đã hơn 20 năm rồi.

Qua nhiều năm, công việc cũng có sự thay đổi. Vì kinh tế thị trường lúc đấy chưa phát triển và thu nhập của người dân chưa cao như bây giờ, do đó chưa có những thiết bị điện tử tinh vi, nếu có thì chưa nhiều. Sau này phát triển hơn thì có ti vi màu, đầu video, đĩa hình, cho đến bây giờ có những công nghệ còn cao hơn, nên tính chất công việc theo đó cũng có sự thay đổi. Tuy nhiên, sự cải tiến và phức tạp lên trong các thiết bị không phải là một cản trở. Tôi thích làm về điện tử vì nó có tính chất chất xám cao hơn, công lao động của tôi cao hơn. Lúc này, mỗi tháng, tôi làm được 3 triệu đồng, tương đương 100/ngày, chưa trừ chi phí điện, sinh hoạt, điện thoại, thuế, vệ sinh, bảo vệ trật tự. Tiền kiếm được bây giờ tuy nhiều hơn ngày xưa, nhưng giá trị quy ra vật chất lại giảm đi.

Hồi đó tôi chưa phải đeo kính và có thể làm việc bằng mắt trần, nên có thể sửa chữa những linh kiện điện tử mạch nhỏ được. Còn bây giờ thì hai kính, một là kính mắt hai là kính lúp, cho nên bây giờ hầu như đến 90% cái tôi sửa chữa là điện dân dụng.

Cái mà thích thú nhất với tôi đó là kĩ thuật điện là một lĩnh vực bao la mênh mông, không có trang cuối cùng, kiến thức cuối cùng. Vì vậy lúc nào tôi cũng cảm tưởng mình như người bơi đuối trên một dòng sông rộng. Vì vậy lúc nào cũng cảm thấy mình nhỏ bé, thiếu kiến thức, phải vươn lên. Nhưng có cái hạn chế là do tuổi tác, sức khỏe, tri giác làm cho mình không thể vươn được. Rồi có ngày tôi cũng phải bỏ nghề. Sẽ rất tiếc vì rất yêu nghề. Cái ham muốn của tôi không vì đồng tiền. Tôi cũng không vì cái nghề này mà cho mình hơn người, hay tự mãn một cái gì đó, mà tôi nghĩ rằng tôi là con người của khoa học, kĩ thuật, ham thích hiểu biết kĩ thuật điện tử.

Tôi thì có nhiều chuyện sâu sắc lắm nói cả ngày không hết. Có một việc tôi muốn kể sau đây. Mùa hè tôi hay sửa quạt. Gần đây, có một cô gái rất đẹp mang một cái quạt rất bẩn đến. Tôi đã vệ sinh cái quạt này rất sạch. Đến khi cô gái lấy cái quạt này vè thì bị chồng mắng vì tưởng mua cái quạt mới, quá lãng phí. Hóa ra mang đến nhà anh Trung sửa, anh ý vệ sinh sạch như một chiếc quạt mới, đấy là cô ý kể lại với tôi như thế. Chồng sau đó đã phải xin lỗi vợ.

Cái duy nhất tôi chưa hài lòng là từ gia đình và con cái. Họ không hiểu được công việc của tôi. Nhưng biết làm thế nào vì chỉ có người trong cuộc có làm thì mới hiểu được. Tôi lấy ví dụ thế này. Tôi đang sửa cái ti vi, nó ra đến nơi rồi, cũng như người nghiên cứu khoa học sắp ra kết quả đến nơi rồi, thì vợ con gọi ăn cơm, bắt phải bỏ đấy, chiều đến làm thì lại phải nhớ lại là mình đang làm ở đoạn nào và mình đã kiểm tra những mảng nào. Chuyện đấy xảy ra thường xuyên. Nhưng cũng phải thông cảm thôi. Vì mình có là vợ mình con mình đâu, và ngược lại, cho nên hai bên thông cảm lẫn nhau. Tuy nhiên công việc của tôi cũng hỗ trợ khá tốt cho cuộc sống gia đình. Cửa hàng thì ngay tại nhà nên vừa làm tại nhà, vừa có thu nhập, lại vừa trông nhà. Thậm chí con hay vợ đi làm về, mình có thể chuẩn bị sơ bộ bữa cơm cho gia đình.

Trong tương lai thì cái nghề sửa chữa điện dân dụng này sẽ có hai xu hướng. Một là vì thu nhập của người dân cao rồi, nên hễ có gì hỏng, thì họ mua đồ mới hơn là mang sửa. Vì thế hàng sắt vụn sẽ nhiều hơn; và thợ chuyên sẽ ít đi. Thường thì người ta thích buôn bán hơn vì có lãi nhanh. Nếu chỉ làm nghề này không thì không giàu có. Các cụ có nói “Làm thợ thì nuôi thân” – dù anh làm thợ gì đi chăng nữa, nhưng trung thực thật thà thì chỉ nuôi được bản thân mình thôi. Xu hướng thứ hai là thợ bây giờ sẽ kết hợp ba cái: một là sửa chữa, hai là mua bán (người Việt Nam có câu truyền đời: phi thương bất phú), ba là làm thầy tức là dạy nghề. Hiện nay, bản thân tôi cũng đang làm chủ tịch Hội Cựu Chiến Binh xã Phú Thị với 256 hội viên. Do đó tôi làm kết hợp cả hai việc, vừa làm ở cơ quan trên xã, hết thời gian lại về nhà làm.

Làm cái nghề này phải có lòng ham mê, yêu kĩ thuật, và ham với cái mới. Vì kĩ thuật điện và điện tử luôn luôn thay đổi thì mình cứ phải theo, do đó mình lúc nào cũng mải mê. Lao động đây là lao động có kĩ thuật và chất xám. Nhưng cái mắt và cái tay bây giờ yếu rồi. Ví dụ như khi hàn, phải hàn chính xác, nếu mà tay anh run và hàn cái nọ sang cái kia thì còn hỏng thêm, cho nên có một số lượng thợ phải nghỉ, dù trong lòng thì rất muốn theo nghề mãi. Nhưng nếu cho tôi dạy học về kĩ thuật điện, điện tử cơ bản thì tôi có thể dạy được. Nhưng nếu dạy về kĩ thuật mới thì có lẽ không đáp ứng được.

Là một người đã thực tế hơn 20 năm trong nghề, muốn giữ được nghề nghiệp của mình thì cái quan trọng nhất là sự ham mê trong nghề nghiệp. Muốn đam mê thì có ba yếu tố: ham học hỏi, trong lòng lúc nào có động cơ muốn học tập, không được tự thỏa mãn với mình. Còn những người mới ra trường câu đầu tiên họ thường hỏi “Làm nghề này được bao nhiêu tiền/tháng?”. Còn với tôi, tôi không nghĩ tới cái đó đầu tiên, mà làm nghề này cuộc sống có ổn định, lòng ham mê kéo dài được bao nhiêu năm, có phù hợp với minh không?

Tôi luôn cháy bỏng với nghề nghiệp. Nếu sang thế giới bên kia ai hiểu cho tôi và cho tôi ít đồ dùng dụng cụ thì tôi cũng tiếp tục làm. Còn trong lúc còn sống và còn làm việc thì tôi còn yêu nghề, không bỏ nghề. Mình đã yêu và ham muốn nghề này, phải chung thủy với nó thôi.

Contributors:  Irene Van, Sharon Seegers, Vũ Hoàng An, Nguyễn Thái Linh

Electrical appliance repairman

Leave a comment